HUB đa năng Type C to HDMI/VGA + Hub USB 3.0, Lan, TF/SF Ugreen

Chức năng của nó là cung cấp thêm nhiều cổng kết nối tiêu chuẩn kiểu cũ như USB-A, HDMI, VGA, RJ-45 và 2 khe đọc thẻ SD + microSD thông qua USB-C. Chất lượng của nó ra sao, có đáng mua hay không thì mời anh em cùng xem qua nhé:

Ugreen là hãng chuyên làm phụ kiện chuyển đổi cho máy tính từ cáp chuyển đến các loại adapter, hub chia cổng … Không nổi tiếng lắm nhưng sản phẩm đa dạng và khá dễ tìm mua. Mình thì không dùng MacBook cũng như các dòng máy tính mỏng nhẹ đến độ chỉ có các cổng USB-C nên thử nghiệm của mình được thực hiện trên ThinkPad P70, hình ảnh minh hoạ là dùng với con Porsche Design Book One.

Khi nào anh em cần đến chiếc Adapter này?

Khi và chỉ khi anh em xài những chiếc máy tính có quá ít cổng kết nối vì thiết kế mỏng nhẹ như MacBook thế hệ mới, các dòng máy Ultrabook mỏng nhẹ. Tuy nhiên, anh em cũng có thể xem nó như một chiếc hub chuyển đa năng bởi bên cạnh các cổng USB-A, thứ mà hầu hết các mẫu máy mỏng đã loại bỏ để thu nhỏ kích thước thì chiếc adapter Ugreen này còn có các cổng nhiều khi rất cần như VGA và LAN. Trong môi trường văn phòng và giáo dục thì cổng VGA vẫn rất cần để trình xuất sang máy chiếu hay dùng mạng có dây.

Chiếc adapter USB-C Multifunction của Ugreen có thiết kế na ná với nhiều giải pháp hub chia USB-C ra nhiều cổng hiện tại với vỏ nhôm, phần khung bằng nhựa dày và có dây USB-C gắn ngoài. Thiết kế này theo đánh giá của mình tiện dụng hơn so với cổng USB-C gắn chết trên adapter bởi có thể dùng với nhiều loại máy chứ không chỉ riêng MacBook. Thêm nữa là nó dùng dây cáp ngoài, dễ tháo và ít có nguy cơ làm hỏng cổng tiếp xúc hơn nếu chúng ta vô ý. Tuy nhiên, độ hoàn thiện của chiếc adapter này không cao lắm bởi phần nhựa vẫn còn thừa ra chút ít và các cổng USB-A hơi méo.

ugreen, ugreen-40873, uhb-type-c

Mặt trước có 3 cổng USB-A - cả 3 đều là USB 3.0 (5 Gbps), mặt sau là các cổng trình xuất hình ảnh như HDMI, VGA và RJ-45, một đầu có 2 khe thẻ nhớ gồm một khe SD, một khe microSD và đầu còn lại ngay cạnh cáp tín hiệu là một cổng USB-C có chức năng sạc Power Delivery 3.0 không rõ công suất tối đa. Thực sự thì vị trí các cổng cắm tại mặt trước và sau cũng như khe thẻ nhớ đều rất hợp lý, riêng cái cổng USB-C này khá nghịch lý bởi khi cắm nguồn vào thì nó nằm song song với sợi cáp USB-C tích hợp luôn.

Về giá, nó có giá bán từ 1,7 - 1,9 triệu trên một số trang điện tử như Lazada, Tiki. Mức giá này khá cao nhưng không quá đắt đối với adapter USB-C bởi loại phụ kiện này vẫn chưa được phổ biến cũng như đa phần được thiết kế cho MacBook nên giá thường sẽ cao. Trước đây Tinh Tế có giới thiệu đến anh em một giải pháp tương tự của Hyperdrive và giá cũng thuộc hàng đắt.

Mình dùng thử chiếc adapter này với ThinkPad P70 để kiểm tra hiệu năng của nó so với những cổng kết nối tương tự có trên máy tính. Kiểm tra bằng HWInfo thì mình phát hiện ra chiếc adapter này dùng chuẩn USB 3.1 Gen2 với băng thông 10 Gbps hay 1,25 GB/s. Thành ra khi cắm 3 chiếc USB đều dùng chuẩn 3.0 (3.1 Gen1 5 Gbps) thì chiếc adapter này vẫn hỗ trợ đủ băng thông, vẫn nhận USB 3.0, không bị đạp xuống USB 2.0.

Loạt thiết bị lưu trữ được mình thử nghiệm gồm 2 chiếc thẻ nhớ tốc độ cao, 1 chiếc là Toshiba Exceria Pro 95 MB/s chuẩn SDHC, 1 chiếc là SanDisk Extreme chuẩn microSDHC, 2 chiếc USB 3.0 gồm SanDisk Extreme Pro 128 GB, ADATA UV150 64 GB. Mẫu thử là một thư mục chứa hình RAW với 385 hình, dung lượng 6,16 GB lưu trên ổ WD Blue 500 GB SATA 6 Gbps gắn trong ThinkPad P70. Mình cho chép thư mục này lần lượt sang thẻ nhớ và USB rồi bấm giờ với mục tiêu là so sánh xem những thiết bị lưu trữ này có duy trì được tốc độ truy xuất khi dùng với adapter của Ugreen hay không.

Kết quả như anh em có thể thấy trong biểu đồ trên, tốc độ truy xuất của các thiết bị lưu trữ khi đọc qua adapter Ugreen đều không thay đổi nhiều và đặc biệt là khe thẻ SD, nó còn cho tốc độ truy xuất cao hơn so với khe thẻ SD tích hợp trên ThinkPad P70. Trong khi đó tốc độ truy xuất của 2 chiếc USB mình thử nghiệm đều ngang nhau.

Tiếp tục hành xác cái Ugreen với bài test cho copy cùng một thư mục trên vào 3 chiếc USB 3.0 cùng lúc, ngoài SanDisk Extreme Pro và ADATA UV150 thì mình dùng thêm một cái USB 3.0 cùi bắp của SiliconPower với tốc độ ghi chỉ khoảng 20 MB/s. Mình nhận thấy tốc độ ghi có phần giảm xuống và biểu đồ copy cũng trồi sụt nhiều hơn nhưng tốc độ thì vẫn khá tốt. Chẳng hạn như chiếc SanDisk Extreme duy trì được tốc độ 138 - 140 MB/s, thấp hơn so với tốc độ 155 MB/s khi chép một mình và mất 55 giây để hoàn tất. Trong khi đó chiếc USB ADATA UV150 thì vẫn ít ổn định hơn với tốc độ trung bình rơi xuống còn khoảng 35 MB/s.

Kiểm tra thông số linh kiện trên Ugreen thì các cổng USB 3.0 hay USB 3.1 Gen1 5 Gbps được điều khiển bởi con controller VL817 của VIA Labs - một con controller mới và đa năng khi hỗ trợ nhiều chế độ kết nối như SuperSpeed (5 Gbps), High Speed (480 Mbps) cũng như các thiết bị lưu trữ có tốc độ thấp hơn. Ngoài ra nó còn hỗ trợ tính năng Multiple Transaction Translators (TTs) giúp cải thiện hiệu năng khi nhiều thiết bị lưu trữ USB 3.0 tốc độ cao kết nối cùng lúc và truy xuất cùng lúc. VL817 cũng là thành phần giúp chiếc adapter Ugreen tương thích với nhiều hệ điều hành như Mac, Windows và Linux mà không cần cài đặt driver riêng. Trong khi đó các khe thẻ nhớ được điều khiển bởi con controller GL3224 của Genesys Logic, cũng là một con vi điều khiển chất lượng hỗ trợ các loại thẻ tốc độ cao với băng thông của USB 3.1 Gen1.

*Mình còn thử nghiệm với ổ Seagate Backup Plus gắn ngoài để kiểm tra thử xem chiếc adapter này có cấp đủ điện để kéo ổ cơ gắn ngoài hay không. Kết quả là nếu cắm 2 chiếc USB 3.0 song song với ổ cứng cơ gắn ngoài thì chiếc adapter sẽ nhả ổ cơ ra bởi nó không cấp đủ điện, nếu tháo 1 chiếc USB 3.0 ra thì chiếc ổ cơ vẫn kết nối và hoạt động bình thường. Đây là điều cần lưu ý nếu anh em có nhu cầu cắm nhiều thiết bị cùng lúc.

Như vậy về cơ bản các cổng giao tiếp dữ liệu trên adapter của Ugreen đều mang lại tốc độ truy xuất tương đương với các cổng tích hợp trên chiếc ThinkPad P70 mình đang dùng. Đây cũng là thứ chúng ta cần khi nghĩ đến giải pháp adapter chia cổng, tốc độ được bảo toàn và sự ổn định về kết nối là thứ được quan tâm hàng đầu.

Về các cổng trình xuất thì mình tiếp tục thử nghiệm với HDMI và VGA. Có một điều cần lưu ý là chiếc adapter này không hỗ trợ trình xuất ra 2 màn hình cùng lúc dù có 2 cổng trình xuất. Cổng HDMI cho phép xuất tối đa 4K@30Hz còn VGA là FHD@60Hz. Mình đã thử nghiệm xuất ra một chiếc màn hình văn phòng độ phân giải FHD, tốc độ làm tươi 60 Hz thì chiếc adapter này xuất ngon lành.

Còn tốc độ mạng thì chiếc adapter này tích hợp vi điều khiển Ethernet của Realtek, hỗ trợ Gigabit Ethernet 10/100/1000. Mình thử nghiệm với mạng tại Tinh Tế thì tốc độ tải lên và xuống đều đạt gần 60 Mbps.

Riêng về cổng USB-C hỗ trợ PD 3.0 thì có một điều cần lưu ý là cổng này không hỗ trợ kết nối dữ liệu, nó chỉ đơn thuần là cổng cấp điện thôi. Ugreen không đưa thông tin về công suất tối đa mà cổng này hỗ trợ, một số loại hub, adapter tương tự thường hỗ trợ 20 V - 3 A tức 60 W. Mình đã thử gắn một cục sạc 87 W của MacBook Pro vào và kiểm tra trên máy thì thấy nó nhận được 78 W. Trong khi đó theo thông tin mình tìm hiểu được thì bản thân chiếc adapter này cần 7,5 W để hoạt động. Thực tế thì nó sẽ ăn khoảng từ 7,5 - 9 W như thử nghiệm của mình. Như vậy nếu anh em dùng với MacBook hay máy tính dùng sạc USB-C thì thông qua chiếc adapter này, điện năng vào sẽ thấp hơn ít nhất là 7,5 W. Anh em cắm sạc 60 W thì công suất vào máy là 52,5 W hoặc 51 W.

Bỏ qua yếu tố thương hiệu Trung Quốc thì trang bị linh kiện và thiết kế, hoàn thiện của nó ở mức khá. Hiệu năng mà nó mang lại khiến mình hơi bị ngạc nhiên và có thể yên tâm sử dụng hàng ngày. 3 cổng USB 3.0 là đã đủ cho hầu hết nhu cầu trao đổi dữ liệu qua lại giữa ổ cứng, USB gắn ngoài với máy tính, gắn chuột, phím có dây, 2 khe thẻ nhớ rất lợi bởi mình thường dùng xen kẽ giữa thẻ SD và microSD. Thêm vào đó với cổng HDMI và VGA thì chúng ta có thể trình xuất ra hầu hết màn hình cũng như máy chiếu từ mới đến cũ với độ phân giải ít nhất là FHD.

Dù vậy, chiếc adapter này vẫn có vài chỗ mình chưa ưng ý, chẳng hạn như vị trí cái cổng USB-C chưa hợp lý và cũng không hỗ trợ kết nối dữ liệu. Thêm nữa là lớp vỏ rất nóng sau một thời gian sử dụng, đo lên đến 45 - 48 độ C nhưng chúng ta buộc phải đánh đổi bởi thiết kế vỏ nhôm khiến chiếc adapter tản nhiệt tốt hơn, đảm bảo linh kiện hoạt động bền bỉ hơn.

Sưu tầm - Từ Tinhte.vn
 


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng